5/10/09

Định giá phần mềm - Dễ hay khó?


Trước hết, nói về giá trị PM, khác với các sản phẩm dịch vụ truyền thống, khi nó nằm ở hàm lượng tri thức trong đó chứ không phải là hàm lượng mồ hôi hay cơ bắp

LTS: Hiểu và phân biệt rõ về PM để xác định giá trị của nó là vấn đề lâu nay chưa có tiền lệ, chưa có khung pháp lý định mức giống như các lĩnh vực khác, vì vậy đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan, doanh nghiệp khi đặt hàng xây dựng PM và quyết toán chi phí… Việc Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ban hành văn bản hướng dẫn xác định giá trị PM như một “cứu cánh” tạm thời, nhưng đã có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này. Để rộng đường dư luận, Tạp chí TGVT trích đăng ý kiến của một bạn đọc.
Cơ sở pháp lý xác định giá trị PM?

Để sớm đưa ra các hướng dẫn về định mức chi phí ứng dụng CNTT, ngày 17/10/2008 Bộ TTTT có Công văn số 3364/BTTTT-ƯDCNTT (CV 3364) về việc hướng dẫn xác định giá trị PM . Bản hướng dẫn xác định giá trị PM ban hành kèm theo công văn này dùng để xác định giá trị các PM theo mô hình hướng đối tượng, được phát triển mới hoặc nâng cấp, chỉnh sửa sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, phục vụ cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Sau khi ban hành, nhiều ý kiến từ các cơ quan bộ, ngành nhận xét văn bản hướng dẫn trên có nhiều điều chưa rõ ràng, đầy đủ và chưa phù hợp khi áp dụng trong thực tiễn. Tháng 6/2009, Bộ TTTT đã có văn bản gửi các tổ chức có liên quan đề nghị góp ý cho Dự thảo sửa đổi bổ sung cho CV 3364 nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình phát triển thực tế của công nghiệp PM và trình độ nhân lực PM Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong buổi tọa đàm ngày 24/7/2009 tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam cùng với đại diện các cơ quan bộ ngành liên quan: Bộ TTTT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế, đại diện các viện, trường… cùng hơn 40 đơn vị doanh nghiệp hội viên Hội Tin học Việt Nam như FPT, HiPT, CMC… đã trao đổi phân tích về các mặt được và chưa được của CV 3364 nêu trên. Tại buổi tọa đàm, các đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế đều cho rằng nội dung hướng dẫn định giá PM tại CV 3364 chỉ xét một số chi phí nhất định trong xây dựng PM (chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí), mà thiếu hẳn một loạt các chi phí quan trọng như khảo sát, thiết kế, chuẩn hóa nghiệp vụ, quản lý dự án, chi phí triển khai, đào tạo sử dụng, bảo trì nâng cấp hàng năm... Không những vậy, bản hướng dẫn lại chỉ đề cập đến dạng PM theo mô hình hướng đối tượng (trong khi có rất nhiều dạng khác nhau). Vấn đề thứ hai, bản hướng dẫn được đánh giá là quá phức tạp trong việc lập các bảng biểu, xác định các tham số, với 5 phụ lục kèm theo. Các đại diện của khối doanh nghiệp CNTT như FPT, CMC thì khẳng định “hệ số mức lương bình quân” mà Bộ TTTT đưa vào trong phương pháp định giá này là rất phi lý vì không tính đến một loạt các chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quản lý, chi phí khấu hao văn phòng, điện nước...

Cần một tư duy mới về định giá PM

Trước hết, nói về giá trị PM, khác với các sản phẩm dịch vụ truyền thống, khi nó nằm ở hàm lượng tri thức trong đó chứ không phải là hàm lượng mồ hôi hay cơ bắp, ta phải nói đến giá trị của các quy trình công việc được tối ưu hóa, các bí quyết, phương pháp làm việc khoa học được ẩn chứa trong PM, chứ không phải khối lượng vật chất hay giá trị các “nỗ lực viết PM” như cách tiếp cận của Bộ TTTT. Với cách tiếp cận mới này, thì lao động cần đo tính khi định giá các PM ứng dụng CNTT vào một tổ chức, lại là các “lao động quản lý” của tổ chức nơi ứng dụng CNTT và của đơn vị thiết kế PM, những người đã xây dựng đầu bài, tối ưu các quy trình công việc, xây dựng các mẫu biểu, phương pháp thực hiện với sự trợ giúp của PM, chứ không phải là các lao động coding (lập trình) PM. Nếu không tính đến các “lao động quản lý” đã thiết lập quy trình tiên tiến, phương pháp làm việc, cơ cấu tổ chức khoa học..., thì chúng ta đã không cần những nhà quản lý, tổ chức giỏi mà chỉ cần những người lập trình giỏi là có thể ứng dụng CNTT dễ dàng, cải cách, tối ưu công việc...

Thứ hai, định giá PM, hay tổng quát hơn là định mức các chi phí để xây dựng và triển khai ứng dụng PM vào hoạt động của một tổ chức, là công việc thuộc chuyên môn của các nhà kinh tế chuyên ngành, như việc thiết lập định mức xây dựng cơ bản, cần giao cho các chuyên gia ngành “kinh tế xây dựng” thực hiện thì hợp lý hơn là giao cho các chuyên gia ngành “kỹ thuật xây dựng” thực hiện. Bộ TTTT, để tiếp cận vấn đề định mức chi phí ứng dụng PM, cần có những người thuộc chuyên ngành kinh tế trợ giúp. Trong một chiến lược dài hơn, để phát triển ngành công nghiệp CNTT, cần phải mở chuyên ngành “kinh tế ƯD-CNTT” trong các trường đại học đào tạo về CNTT.

Đề xuất phương pháp định mức chi phí ứng dụng PM

Là người đã có nghiên cứu về định mức chi phí trong DN và làm quản lý CNTT của DN nhiều năm, người viết cho rằng để giải quyết vấn đề nêu trên trong bối cảnh hiện nay, trước hết, Bộ TTTT cần xây dựng các tiêu chuẩn về quy mô ƯD-CNTT (thế nào là lớn, vừa và nhỏ) trong các tổ chức. Thứ hai, cần định danh và chuẩn hóa các công đoạn xây dựng và triển khai ứng dụng PM trong các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, tùy theo quy mô, có thể gồm 15 công đoạn chính yếu sau:

1. Xây dựng yêu cầu công việc, chuẩn hoá nhu cầu thông tin.
2. Khảo sát, xây dựng và tối ưu hóa các quy trình công việc, các phương pháp/công nghệ thực hiện công việc.
3. Thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của đề án ƯD-CNTT sẽ triển khai và phương pháp đo tính các hiệu quả này.
4. Thiết kế giải pháp PM và chuẩn hóa các quy trình công việc.
5. Lập trình PM, xây dựng tài liệu hướng dẫn và các công cụ trợ giúp liên quan.
6. Kiểm thử PM (testing).
7. Thiết lập cấu hình hệ thống ban đầu và chuyển đổi dữ liệu.
8. Tái cơ cấu tổ chức và xây dựng các quy định liên quan cho phù hợp với quy trình công việc mới.
9. Tổ chức triển khai áp dụng bước đầu và đào tạo hướng dẫn sử dụng.
10. Đo tính hiệu quả của đề án theo các phương pháp đã đề ra.
11. Hiệu chỉnh PM và các quy trình công việc.
12. Xây dựng phương pháp triển khai đại trà.
13. Tổ chức triển khai áp dụng đại trà và đào tạo hướng dẫn sử dụng.
14. Công tác hỗ trợ bảo trì sau triển khai.
15. Đánh giá tổng thể đề án, quyết toán và nghiệm thu đề án.

Tiếp theo, cần định danh và chuẩn hóa các “khoản mục chi phí” bắt buộc phải có trong mỗi công đoạn nêu trên, đặc biệt chú ý các chi phí vô hình đòi hỏi năng lực sáng tạo, chất xám cao của người đóng góp. Cuối cùng, Bộ cần tổ chức các dự án khảo sát, điều tra lấy mẫu ở quy mô phù hợp để xác định các mức chi phí tại mỗi “khoản mục chi phí” với phương pháp thống kê có cơ sở khoa học, áp dụng cho từng quy mô ƯD-CNTT lớn, vừa và nhỏ, có thể từ số liệu của các doanh nghiệp trong nước và khu vực. Với lĩnh vực PM, là lĩnh vực mà hàm lượng tri thức mới là thành phần quyết định, thì cần xác định các mức chi phí theo số lượng và chất lượng các quy trình/phương pháp làm việc được hàm chứa trong PM, chứ không nên xác định mức chi phí theo giờ công lao động. Để đảm bảo các số liệu thống kê không bị lạc hậu đối với hệ thống định mức chi phí nêu trên, cần phân tách các mức chi phí cơ sở (áp dụng dài hạn) và các mức chi phí thực hiện thời kỳ (có thể điều chỉnh). Song song với đó là thiết lập tiêu chuẩn thời gian rà soát cập nhật mức chi phí định kỳ.

Phạm Trí Dũng.
Công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex.
Nguồn: http://www.pcworld.com.vn/B0909_70

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét