Mặc dù vẫn chưa phát hành phiên bản cuối cùng nhưng cộng đồng người dùng mã nguồn mở trung thành với hệ điều hành Ubuntu đang lên cơn sốt với quyết định bỏ nền tảng đồ hoạ GNOME để trở về với chuẩn Unity trên phiên bản 11.04, có tên mã Natty Narwhal.
Unity hứa hẹn sẽ giúp Ubuntu trở nên gần gũi hơn với người dùng…Windows |
Với nhiều người, đây được xem là bước đi thụt lùi của Canonical, chủ quản Ubuntu khi Unity vốn đã từng một thời ngự trị trên hệ điều hành này.
Phiên bản thử nghiệm Alpha 3 phát hành gần đây nhất của Ubuntu (theo kế hoạch, bản chính thức sẽ có mặt vào đầu tháng 04 tới) chứng kiến sự trở lại của giao diện chuẩn Unity. Mặc dù vẫn chưa thay thế hoàn toàn chuẩn GNOME nhưng Unity đã trở thành một tuỳ chọn mới dành cho người dùng cuối.
Dẫu vậy, chưa thể hiện được nhiều, Unity đã phải nhận sự ghẻ lạnh của cộng đồng người dùng trung thành với GNOME. Lí do là, phiên bản 11.04 đã được âm thầm phát triển, Canonical hoàn toàn kín cổng cao tường và không quan tâm tới ý kiến tư vấn của các chuyên gia GNOME cũng như nguyện vọng của cộng đồng mã mở. Thậm chí, vì vụ việc này, các tín đồ GNOME còn ví người điều hành dự án Ubuntu Mark Shuttleworth với Steve Jobs, kiến trúc sư trưởng Apple, người vẫn thường âm thầm đưa ra những quyết định ít ai ngờ tới.
Ưu điểm và hạn chế
Trên thực tế, Unity có không ít ưu điểm. Không chỉ gọn nhẹ, giao diện của Unity thực sự bắt mắt và xét tổng thể, nền tảng đồ hoạ này giúp Ubuntu thân thiện hơn với người dùng Linux. Lâu nay, Linux nói chung và Ubuntu vẫn bị xem là xấu xí so với Mac OS và Windows. Có vẻ như chuyển sang Unity là một bước đi hợp lý.
LibreOffice Writer sẽ thay thế OpenOffice trên Ubuntu 11.4. Ảnh ZDNET |
Unity mang đến khá nhiều điểm mới mẻ, nhất là ở sự giản đơn dễ chịu, so với vẻ rắc rối truyền thống của nền tảng GNOME. Unity thực sự đã “giảm mỡ” cho GNOME, nhất là ở menu tuỳ chỉnh, khiến cho nền tảng Linux trở nên gần gũi hơn so với Windows khi menu “Laucher” đứng sẽ hiển thị những tác vụ đang chạy cũng như các chương trình, ứng dụng thường dùng. Thanh công cụ này cũng tích hợp bộ máy tìm kiếm giúp người dùng gọi dữ liệu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vì quá mới mẻ, Unity có thể sẽ tạo ra một thói quen mới, hoàn toàn khác so với cách thức sử dụng Ubuntu lâu nay trên GNOME. Unity đã học theo phong cách của Mac trong việc hiển thị và quản lý ứng dụng trên màn hình. Rõ ràng, người dùng sẽ phải bỏ thêm thời gian để làm mới lại tư duy sử dụng hệ điều hành “chim cánh cụt” lâu nay.
Ngoài ra, việc tuỳ chỉnh thanh điều hướng và quản lý hệ thống Laucher nằm ở phía trái màn hình là tương đối khó khăn. Người dùng không thể đưa Laucher xuống phía dưới màn hình như trên Windows 7. Ngoài ra, bạn sẽ không thể sử dụng menu chuột phải để thêm vào các widget như trên thanh điều khiển của GNOME. Bạn cũng sẽ không có biểu tượng mặc định dành cho Control Center cũng như hàng loạt tuỳ chỉnh tối ưu khác trên Ubuntu vốn vẫn dễ dàng thực hiện cùng GNOME.
Cách sắp xếp và gọi ứng dụng từ thanh ngang trên Unity là khá lạ mắt với cộng đồng GNOME. Ảnh ZDNET |
Công cụ tìm kiếm sẽ đóng vai trò quan trọng trên Ubuntu khi dùng Unity. Ảnh ZDNET |
Nhìn chung, vẫn cần rất nhiều cải tiến trước khi Unity có thể thực sự làm nên một cuộc cách mạng về giao diện người dùng trên Ubuntu. Rất may là, hiện các nhà phát triển Ubuntu vẫn chưa “đá” hẳn GNOME. Để trở về giao diện quen thuộc, bạn chỉ cần chọn “Ubuntu Classic Desktop” khi đăng nhập. Với bước đi này, rõ ràng Ubuntu đang cố vạch ra một con đường riêng so với Debian, Fedora và cả OpenSUSE, nhất là trong nỗ lực mang Linux và Ubuntu đến gần người dùng cuối hơn bằng vẻ hấp dẫn về giao diện, thân thiện với người dùng trung bình.
Ubuntu “nghỉ chơi” với phiên bản Netbook Edition
Canonical cũng vừa chính thức thông báo sẽ ngừng phát triển phiên bản Netbook Edition, với lí do Ubuntu chuyển sang dùng nền tảng Unity thay vì GNOME. Theo khẳng định từ phía Canonical, giao diện mới này có thể hoạt động trên hàng loạt thiết bị từ netbook, laptop, desktop... Do đó, phiên bản Netbook Edition sẽ không còn cần thiết nữa mà được trang bị tích hợp trong phiên bản Ubuntu chuẩn dành cho desktop.
NHẬT VƯƠNG tổng hợp
Theo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét