Chu trình tư duy của trẻ không tự nhiên hình thành mà phải có sự hỗ trợ của người lớn.
Trong xã hội chúng ta hiện nay phổ biến một thành kiến cho rằng trò chơi điện tử nguy hiểm cho sự phát triển thể chất và tinh thần của người chơi nói chung, và trẻ em nói riêng: ảnh hưởng đến mắt, có thể gây béo phì, đầu óc mất tập trung, học hành sa sút, gia tăng tính hung hãn, thu hẹp các mối quan tâm, làm nghèo nàn kinh nghiệm tình cảm và quan hệ xã hội, thậm chí gây nghiện… Tranh luận về được mất, hay dở, công tội của trò chơi điện tử có thể kéo dài bất tận. Trong khi báo chí, các phương tiện truyền thông chủ yếu lên án, tìm các biện pháp ngăn cấm, giới hạn thì các nhà chuyên môn, gồm các chuyên gia tâm lí, giáo dục, lại khá thận trọng khi phát biểu về lợi hại của trò chơi điện tử, và các phát biểu này không bao giờ là một chiều. Điều đáng nói nhất là bản thân những trò chơi này không tốt hay xấu, không có những tính chất có hại hay có lợi. Vấn đề nằm ở chỗ ai chơi và chơi như thế nào. Điều này tương tự như việc chúng ta nhà nào cũng cần có dao, có diêm (quẹt) và để trẻ không bị đứt tay, không làm cháy nhà, cha mẹ, người lớn cần phải dạy chúng cách sử dụng những công cụ này.
Với sự tiến bộ của công nghệ và những nghiên cứu về tác dụng giáo dục, tác dụng hỗ trợ quá trình học tập, nhiều nhà thiết kế game đã tận dụng được mặt hấp dẫn (về hình ảnh, âm thanh, tính động...), tận dụng yếu tố chơi để kết hợp với tác động giáo dục nhằm sáng tạo những trò chơi giúp trẻ học nhẹ nhàng, thú vị hơn. Trò chơi điện tử cho tuổi nhi đồng hầu hết là mang tính hỗ trợ phát triển kĩ năng và giải trí. Những trò chơi mang tính giáo dục này ngày càng trở nên phổ biến và là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp trẻ mở rộng vốn kinh nghiệm, tìm hiểu về thế giới xung quanh, phát triển các kĩ năng nhận thức. Có nhiều loại trò chơi được thiết kế riêng cho mục đích học tập. Đó là những trò chơi dạy trẻ các môn học riêng biệt như ngôn ngữ, toán, xây dựng quan hệ xã hội, tìm hiểu khoa học, giải quyết vấn đề, tư duy nhận xét, đánh giá, và bảo vệ môi trường.
Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta có thể sử dụng những trò chơi điện tử để dạy trẻ em nhiều điều:
- Phát triển cơ tinh (các cơ nhỏ điều khiển những cử động đòi hỏi sự khéo léo) của bàn tay thông qua việc điều khiển chuột và bàn phím. Những thao tác khéo léo của bàn tay lại ảnh hưởng tốt đến hệ thần kinh trung ương. Trong khi chơi, trẻ tập phối hợp tín hiệu hình ảnh với các xung động cơ để phản xạ nhanh và chính xác khi điều khiển con trỏ. Nhờ đó, tốc độ phản xạ thị giác và phản xạ cơ đều được cải thiện, trí nhớ thị giác, khả năng suy luận, dự đoán đều được rèn luyện. Khi thao tác với chuột và quan sát hiệu ứng trên màn hình, trẻ tập luyện các cơ ngón tay, luyện tập phối hợp tay - mắt. Trẻ cũng học nhận biết ý nghĩa của một số biểu tượng trong các menu máy tính, học cách điều khiển các đối tượng trên màn hình.
- Nhiều trò chơi điện tử có tác dụng kích thích sự phát triển nhận thức, khuyến khích trẻ sáng tạo, tư duy phê phán; tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ tập đánh giá, phỏng đoán, giải quyết vấn đề, tưởng tượng, thiết kế, thúc đẩy quá trình làm quen với chữ số, chữ cái và các kỹ năng toán - logic. Nhờ sự kết hợp đa dạng giữa màu sắc, âm thanh, chuyển động, trò chơi tác động đồng thời đến nhiều giác quan do đó đạt được hiệu quả cao cả về mặt hấp dẫn lẫn hiệu quả luyện tập kĩ năng. Trò chơi tạo ra rất nhiều cơ hội để trẻ trực tiếp tự khám phá, tự phát hiện đúng - sai. Ví dụ: Kỹ năng đếm, nhận mặt chữ số, nhận mặt chữ cái, phân loại được lặp đi lặp lại trong các tình huống khác nhau nên trẻ có cảm giác được chơi các trò khác nhau nhưng kĩ năng thực hiện là một. Những kỹ năng nhận thức được hình thành theo cách này sẽ rất bền vững và trẻ có thể dễ dàng vận dụng chúng vào các hoàn cảnh, tình huống khác trong thực tế.
- Phát triển kỹ năng giao tiếp. Nhu cầu khám phá trò chơi thúc đẩy trẻ giao tiếp, chỉ bảo nhau, chia sẻ các ý tưởng về cách thực hiện với nhau, cả về kỹ thuật chơi lẫn những hiểu biết cần thiết để chơi. Như vậy trẻ tự học lẫn nhau: trẻ chưa biết học từ trẻ biết rồi, trẻ biết điều này học được từ bạn mình điều khác, trẻ biết rồi củng cố lại hiểu biết và kỹ năng của mình khi chỉ lại cho bạn cách chơi.
- Phát triển cảm xúc và xây dựng quan hệ xã hội. Tham gia vào các trò chơi dưới dạng chơi nhóm trẻ học được các cách ứng xử như thoả thuận, nhường nhịn, cộng tác, phân công, chờ đợi đến lượt mình, tôn trọng quy định... Dần dần trẻ trở nên tự chủ, tự tin và độc lập trong việc khám phá các trò chơi mới, chủ động điều chỉnh hành vi của mình và của nhóm chơi, hoàn thiện kỹ năng làm việc trong nhóm.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những ưu thế này của trò chơi điện tử chỉ có thể biến thành hiện thực khi người lớn chú ý quan sát trẻ chơi, kịp thời đánh giá các tình huống nảy sinh, khuyến khích các biểu hiện tích cực và ngăn chặn những hành vi tiêu cực. Thả mặc cho trẻ tự xoay xở với trò chơi trên máy hay yêu cầu trẻ nhất nhất tuân theo hướng dẫn cụ thể từng thao tác đều có thể dẫn đến kết quả không mong đợi. Cùng chơi với trẻ, người lớn mới giúp trẻ nhận ra các quy luật nhân quả, phương pháp giải quyết vấn đề bằng cách thử và sai để tìm đến kết quả đúng. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ thêm năng động trong các hoạt động khám phá, nên người lớn phải đặc biệt chú ý để kịp thời hỗ trợ, vì nếu trẻ chỉ thực hiện các thao tác chơi một cách máy móc, không để ý đến ý nghĩa của chúng thì trẻ cũng sẽ không hiểu được logic của trò chơi và như vậy trò chơi không đạt được mục đích học. Ví dụ: những trò chơi với các hình hình học không đơn giản chỉ là giúp trẻ nhận biết, gọi tên các hình hình học, mà còn giúp trẻ vận dụng các hình hình học ở các vị trí khác nhau để sáng tạo ra các mẫu thiết kế đa dạng. Hay những trò chơi yêu cầu trẻ sắp xếp đồ vật vào nhóm theo nhiều cách khác nhau (phân loại theo các thuộc tính khác nhau) không chỉ là nhằm tập luyện kỹ năng phân loại đơn giản mà còn tập cho trẻ nhìn nhận sự việc, sự vật dưới các góc cạnh khác nhau. Kỹ năng này được nâng cao thêm khi trẻ tập phân loại theo hai hoặc nhiều hơn hai thuộc tính. Đây chính là nền tảng của việc hình thành tư duy đa chiều, linh hoạt và sáng tạo.
Kinh nghiệm của các chuyên gia giáo dục Nhật Bản cho thấy khi chơi với các thiết bị đa phương tiện như máy tính thì trẻ thường phát triển theo chu trình như sau:
1. Trẻ NHÌN THẤY, XEM và thấy thích thú, bị lôi cuốn bởi hình ảnh, âm thanh sống động.
2. Trẻ thấy thích thú và nảy sinh động cơ BẮT CHƯỚC.
3. Khi ngồi vào chơi trẻ bắt đầu thực hiện “thử và sai” – nảy sinh nhu cầu SUY NGHĨ (TƯ DUY).
4. Khi thực hiện được, trẻ nảy sinh nhu cầu trao đổi với bạn, với người chơi khác, THỂ HIỆN ý tưởng và suy nghĩ của mình, giải thích những ý đồ và sản phẩm sáng tạo.
5. Kể về những điều mình học được cho người khác sẽ giúp trẻ củng cố và PHÁT TRIỂN tiếp tục những hiểu biết cũng như kỹ năng của mình.
6. Ở mức độ phát triển mới trẻ lại thấy thích thú với những hiện tượng mới, nảy sinh những thắc mắc mới, và cứ thế một chu trình mới lại bắt đầu, nhưng ở mức cao hơn.
Tuy nhiên để đạt được chu trình phát triển này, các nhà giáo dục Nhật bản cũng nhấn mạnh đến vai trò của người lớn và mối quan hệ giữa trẻ với người lớn xung quanh khi trẻ chơi với máy tính. Chu trình tư duy nêu trên không tự nhiên hình thành mà phải có sự hỗ trợ của người lớn. Nếu để trẻ tự chơi tự do, rất có thể trò chơi của trẻ chỉ giới hạn ở mức độ là trẻ biết làm theo các chỉ dẫn của máy. Do đó, việc trao đổi, thảo luận về những điều trẻ phát hiện ra, tạo ra môi trường giúp trẻ ứng dụng những điều đó vào các tình huống học và chơi hàng ngày là rất quan trọng và cần thiết. Đồng thời cũng cần hiểu rõ đặc điểm quá trình phát triển và quá trình tư duy của trẻ, bao gồm cả năng lực học khái niệm mới, và năng lực sáng tạo (tức là sử dụng các khái niệm đã học được để sáng tạo và đổi mới) để lựa chọn những trò chơi cân bằng giữa mục đích giải trí với mục đích giáo dục, bảo đảm tính hấp dẫn nhưng vẫn bảo đảm tính mới, tính phát triển, để chơi game là một hoạt động bổ ích – vừa giải trí vừa học một cách thú vị.
Nguyễn Thị Thanh Thủy
Thạc sĩ Giáo dục Học
Nguồn: http://www.pcworld.com.vn/pcworld/magazine_gm.asp?t=mzdetail&atcl_id=5F5E5D5856595B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét